Trong bốn tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng mạnh, với triển vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ tín hiệu tích cực từ nhiều thị trường tiêu dùng. Các doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết quý II.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2024 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 3/2024 và tăng 19,4% so với tháng 4/2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 893 triệu USD, tăng 0,7% so với tháng 3/2024 và tăng 14,1% so với tháng 4/2023.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc đơn hàng tăng mạnh, doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu, đã tạo ra tín hiệu tích cực và kỳ vọng lớn cho ngành gỗ trong năm 2024.
Nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các nước EU đang phục hồi, mang lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đang có dấu hiệu tích cực, thúc đẩy đơn hàng xuất khẩu, bao gồm cả nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Ghi nhận từ hiệp hội cho thấy, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý I/2024 khá lạc quan, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6, thậm chí đến cuối năm 2024. So với năm 2023, năm 2024 mở đầu với sức mua của thị trường thế giới ấm dần, và ngành gỗ đang đón những tín hiệu tích cực.
Việt Nam, với vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ…
Ông Hoài kỳ vọng, sự phục hồi tiêu dùng tại các thị trường lớn sẽ tạo cơ hội tăng tốc xuất khẩu trong quý II và cả năm 2024.
Tuy nhiên, ông Hoài cũng cảnh báo về những khó khăn, khi các thị trường xuất khẩu chính yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, không gây suy thoái rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm và cạnh tranh thương mại phức tạp cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu, ngành gỗ đang tập trung vào phát triển bền vững. Trong quý I/2024, VIFOREST đã tổ chức thành công các hội chợ ngành gỗ như Hawa Expo 2024 tại TP. Hồ Chí Minh và Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời Q-FAIR 2024 tại Quy Nhơn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khách hàng quốc tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành gỗ cũng phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, mở hội chợ, thiết lập các văn phòng, kho hàng, trung tâm mua hàng lớn, đặc biệt tại thị trường châu Âu và Mỹ, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và chất lượng, được nhiều khách hàng quốc tế đánh giá cao.
Lãnh đạo VIFOREST đánh giá, đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.